Đằng sau mỗi ly cà phê mà chúng ta đã và đang thưởng thức luôn có một câu chuyện riêng của nó. Cái hay của cà phê là ở chỗ, nó có khả năng gắn kết mọi thứ lại với nhau, kể cả con người, rất rõ ràng và mạnh mẽ vô cùng.
Việt Nam không thiếu… cà phê ngon!
Có thể nói, gần như 90% dân số Việt Nam đều biết uống… cà phê. Đa phần họ thưởng thức cà phê pha phin là chính, đậm đà và mạnh mẽ. Sẽ chẳng có gì để nói, đến nếu Việt Nam không là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới (sau Brazil) nhưng số người biết thưởng thức cà phê hay phân biệt được đâu là cà phê nguyên chất lại chẳng nhiều. Trong khi Brazil nổi tiếng với việc cung cấp 1/3 sản lượng cà phê cho toàn cầu cùng sản phẩm cà phê Arabica có vị đậm vừa và chua nhẹ cực kỳ được ưa chuộng thì cà phê Việt Nam lại không được nhiều người đánh giá cao. Bởi người ta vẫn nghĩ nước ta chỉ có thể xuất khẩu được Robusta ra thế giới mà quên mất đi cà phê Arabica – giống cà phê có hương vị phong phú hơn (chua thanh, ngọt dịu, hương thảo mộc hoặc hoa quả) và cũng ít đắng hơn do nồng độ caffein thấp hơn so với Robusta ở mình không hề… dở. Nói đâu cho xa, Đà Lạt – Lâm Đồng là một minh chứng “hùng hồn” cho vùng trồng cà phê Arabica có sản lượng tốt nhất với thâm niên 150 năm mang lại cho người yêu thích cà phê Việt niềm tự hào xen lẫn hứng khởi, vui sướng.
Tôi luôn tin rằng, Việt Nam có cà phê ngon. Đó không đơn giản là thứ cà phê có pha trộn đậu nành hay bất kỳ hương liệu nào để làm dậy mùi và tạo ra thứ nước màu đen tuyền trông bắt mắt mà hàng ngàn người vẫn đang thưởng thức nó mỗi ngày. Cà phê nguyên chất hay các khái niệm như “Organic Coffee”, “Specialty Coffee” (nôm na là cà phê tinh hoa – một cách gọi của cà phê Arabica chất lượng cao, được trồng ở vùng có khí hậu đặc biệt và thổ nhưỡng tốt) vẫn là điều gì đó mơ hồ khó nắm bắt với tôi cho đến khi tôi có dịp được quan sát trực tiếp vườn trồng cà phê ở Đà Lạt và trò chuyện với người nông dân làm “cà”. Nói không ngoa, một ly cà phê ngon phụ thuộc 70% vào người trồng, 20% vào người rang xay và 10% còn lại mới thuộc về Barista (người pha chế cà phê).
Theo như anh N., chủ vườn cà phê tại Cầu Đất, Lâm Đồng chia sẻ: “Vấn đề ở đây không phải chỉ là trồng một cái cây, chờ đến khi quả chín rồi thu hoạch mà người dân, thay vì bón phân hóa học, phải chuyển sang sử dụng phân vi sinh. Cách ly thuốc trừ sâu bệnh trong vòng ít nhất 3 tháng trước khi hái trái. Thậm chí khi thu hoạch, thay vì tuốt cành hái sạch, thì phải hái từng trái chín. Rồi đến sơ chế, thay vì phơi ngoài sân, nền đất thì phải đầu tư hệ thống phơi, sơ chế. Không những thế, khi trồng cây cà phê, người dân phải trồng xen canh cây hoa quả để có bóng râm, tang tính đa sinh học… Kỳ công lắm!” Nhưng thử hỏi, liệu có mấy người hiểu và chấp nhận được điều đó? Bất kỳ một cây cà phê nào cũng thế, dù là Arabica hay Robusta cũng đều cần sự tỉ mỉ, tận tâm từ bước sơ khởi của người nông dân. Có lẽ chỉ khi nào khách hàng thấu hiểu được sự vất vả ấy, lúc đó họ mới thôi không “kì kèo” về giá cả của hạt cà phê mà họ mua về, ly cà phê họ thưởng thức và biết cách đánh giá, nhìn nhận về giá trị thật sự của cà phê Specialty. Mội khi đã “dấn thân” vào tìm hiểu, có chút kiến thức về cà phê specialty thì khả năng khách hàng quay lại với những ly cà phê thông thường đang bán đa số trên thị trường hiện nay cực kỳ ít ỏi. Nhưng bù lại, khẩu vị của họ sẽ tốt hơn. Việc hiểu sâu sắc về một thứ gì, ắt hẳn cũng sẽ tốt hơn.
Sức quyến rũ của cà phê nguyên chất.
Câu hỏi đặt ra là “Cà phê nguyên chất khác với cà phê thường ở điểm nào?” có lẽ không quá khó để trả lời. Cà phê nguyên chất sẽ có màu cánh gián chứ không đen nhánh như chúng ta vẫn lầm tưởng. Dĩ nhiên, vị cũng không đậm, đắng và hương sẽ thơm hơn nhiều (theo kiểu thơm dễ chịu, tự nhiên) đến nỗi nhiều người chưa quen vừa thử sẽ chê đủ kiểu như: dở, nhạt, chua, lờ lợ… Nhận thức và thói quen là hai thứ đã hằn sâu vào tâm trí người Việt với ý niệm cà phê muốn ngon thì nhất định phải đắng, mạnh, ngầy ngậy và sánh đặc. Rõ ràng sẽ không dễ dàng để người ta thay đổi cái gì vốn đã thành “nếp sống” nhưng, như thế không có nghĩa là chúng ta không cần phải thay đổi để hoà nhập và hội nhập. Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt… hiện nay có rất nhiều người đã “mạnh mẽ” đưa cà phê nguyên chất vào cuộc sống thường nhật của mọi người. Ban đầu không tiếp nhận nhưng rồi dần dần, người ta hiểu hơn về câu chuyện của những người làm nghề, tập quen với một thứ mới mẻ, khó uống nhưng “tinh khiết”, họ mở lòng ra để đón nhận sự đổi mới một cách rất vui vẻ. Cà phê nguyên chất thường hay bị “gắn mác” cà phê pha máy, cà phê kiểu Ý như espresso, cappuccino, latte… nên dễ bị hiểu nhầm thành thức uống chỉ dùng để… nhâm nhi chơi. Đúng, nhưng chưa đủ!
Cà phê Việt nguyên chất cũng ngon chẳng kém. Rất nhiều du khách Tây sang Việt Nam, tìm về thành phố cà phê – Đà Lạt hoặc thành phố du lịch – Hội An hiện nay cũng dễ dàng tìm được ly cà phê ngon đúng nghĩa, ly cà phê mà ngoài hương vị nguyên bản của nó, ta còn có thể tìm thấy hương cỏ cây, đất trời, hoa lá; có thể thấy vị cam, cherry, nho đen hay cocoa ngọt dịu…Ngày nay nhiều người rất đam mê cà phê, họ bỏ thời gian, công sức thậm chí cả tiền bạc để theo đuổi đến cùng một khát vọng về bản sắc cà phê Việt – nguyên chất đúng điệu, đặc biệt là giới trẻ. Cà phê cũng như ẩm thực, chỉ cần chúng ta rộng lòng đón nhận và tiếp thu thì không sợ không có chỗ dành cho nó. Tôi tin rằng cà phê mang trong mình nhiều hơn những thứ mà chúng ta đang hiểu. Phải đi nhiều, tìm tòi học hỏi ở các quốc gia, vùng miền khác mới thấy cà phê có sức hút quyến rũ đến lạ kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà thương hiệu cà phê mạnh như Starbucks cũng chọn cà phê Arabica ở Việt Nam để sử dụng. Ngoài chất lượng hạt cà phê, hương vị tươi mới thì sự lựa chọn này cũng góp phần không nhỏ thể hiện sự tôn trọng sức lao động đối với những người trồng “cà chân chính. Đằng sau mỗi ly cà phê là một hành trình không điểm dừng, sau mỗi dụng cụ pha chế truyền thống là những câu chuyện kể về lịch sử và văn hoá của một dân tộc gắn liền với nó. Dù là ở nhà, hay ở một nơi nào đó tại quán cà phê, cà phê nguyên chất với những đặc trưng của mình, luôn là cầu nối giúp chúng ta cởi mở và có thêm những người bạn mới đặc biệt hệt như chính cà phê vậy.
@____asari___