Bất kỳ nghề nào cũng vậy, càng trải nghiệm, càng va chạm, thất bại thì tỉ lệ thành công và trưởng thành sẽ càng cao. Bạn còn nhớ ngày đầu tiên vào nghề của mình không? Còn tôi, nhớ khá rõ. Vừa có chút nơm nớp lo sợ, vừa thích thể hiện cái “Tôi” cá nhân của mình trong đó…
Tôi có 1 anh bạn người Indonesia, cũng làm cà phê. Có lần tôi nửa đùa nửa thật “Tôi thích cà phê Việt Nam hơn Indo”. Nói rồi tôi cười và giải thích thêm. Có thể hạt cà phê Việt Nam không tốt bằng Indo là sự thật, chưa được ghi danh trên bản đồ cà phê Specialty thế giới rõ rệt và mạnh mẽ nhưng với tình yêu, tôi vẫn ưu ái cho những gì sinh ra từ đất Việt, lớn lên từ những khó khăn, vất vả của nước mình. Đôi khi, tôi thấy mình cũng giống cà phê ít nhiều, lạ kỳ và mẫu thuẫn.
Lần đầu tiên uống hạt cà phê nước ngoài, tôi nhớ là V60 Kenya. Tôi lè lưỡi vì chua và nhạt. Rồi cả lần uống 1 ly espresso hạt Ethiopia, tôi chậc lưỡi thấy cũng ngon. Hậu vị trái cây với hương thơm nồng nàn vấn vương. Thường thì tôi sẽ tự so sánh các hạt cà với nhau, xem cái nào tốt hơn, ổn hơn. Nhưng rồi tôi đi uống ở nhiều nơi, tập uống nhiều ly cà phê từ các phương pháp pha chế khác nhau. Tôi gần như NGỠ NGÀNG nhận ra mọi loại cà phê đều có điều thú vị, hay ho riêng của nó. Cũng giống như mỗi người trên thế giới này đều có một tính cách riêng biệt, có thể dị biệt nhưng chẳng ai lẫn vào ai và đều thu hút theo một cách cũng rất lạ lùng… Đừng quên, việc làm cà phê không có nghĩa là trói buộc chúng ta phải cố định tại một chỗ. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người là cách tốt nhất để cảm, để học và để thấy mình lớn lên từng ngày.
“Take chances, make mistakes. That’s how you grow…”